Nữ luật sư gốc Việt làm chánh án toà liên bang Mỹ

(Dân trí) – Lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống tư pháp bang Nevada của Mỹ sẽ có một chánh án là người Mỹ gốc châu Á, khi Tổng thống Mỹ đã chính thức đề cử Nữ luật sư gốc Việt Miranda Du làm chánh án tòa liên bang ở Las Vegas.
 
Miranda Du được Tổng thống Mỹ đề cử hôm 2/8.

Phát biểu trong tuyên bố đề cử Miranda Du hôm 2/8, ông Obama nói: “Miranda Du sẽ làm tăng uy tín cho tòa liên bang tại Nevada. Tôi rất cảm kích những gì bà làm trong việc phục vụ cộng đồng thời gian qua”.

Quyết định bổ nhiệm bà Miranda Du còn phải được Thượng viện thông qua.

Nghị sĩ Harry Reid của đảng Dân Chủ ở Nevada và là lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện Mỹ, là người đề nghị nữ Luật Sư Miranda Du với Tổng thống Obama.

“Miranda Du là một người hành nghề luật kinh nghiệm và có nhiều kinh nghiệm tranh tụng. Bà hiểu biết rộng và dấn thân trong cộng đồng tại Nevada”, ông Harry Reid viết trong một thông cáo báo chí. “Tôi tin rằng Miranda Du sẽ là một chánh án liên bang giỏi, và mong đợi bà được Thượng Viện chấp thuận nhanh chóng”.

Luật Sư Miranda Du có bằng hành nghề luật tại California và Nevada. Bà cũng là thành viên Đoàn Luật sư Mỹ, và là cộng sự viên làm việc ở công ty luật McDonald-Carano-Wilson tại Reno.

Nếu được Thượng Viện chấp thuận, nữ luật sư gốc Việt này sẽ là chánh án liên bang gốc châu Á đầu tiên ở tiểu bang Nevada và là chánh án liên bang gốc Việt thứ hai tại Mỹ.

Năm 2009, Luật Sư Jacqueline Nguyễn đã được phê chuẩn làm chánh án tòa liên bang vùng tại Los Angeles.

Hà Khoa
Theo Asia Journal, Las Vegas Review-Journal

Cô thủ khoa 28 điểm nơi làng quê nghèo Quảng Trị

 
(Dân trí)- Với 3 môn được 28 điểm, Phan Thị Liên Nhi, ở thôn Hà My, xã Triệu Hòa (Triệu Phong, Quảng Trị) đã xuất sắc trở thành thủ khoa khối A Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng năm 2011. Với thành tích này, cô bạn trở thành niềm tự hào của làng quê nghèo Triệu Phong.

Năm nay, Liên Nhi dự thi khối A vào ngành Tài chính ngân hàng ĐH Kinh tế Đà Nẵng thuộc ĐH Đà Nẵng. Điểm từng môn của cô bạn là: Toán 9; Lý 9,5; Hóa 9,25.

Phan Thị Liên Nhi – tân thủ khoa ĐH Kinh tế Đà Nẵng.

Liên Nhi sinh ra trong một gia đình nông dân, là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Từ nhỏ Nhi đã biết phụ giúp gia đình trong công việc đồng áng. Những khó khăn thiếu thốn của gia đình đã khiến cho ước mơ thoát nghèo của em thôi thúc hơn bao giờ hết, và Nhi hiểu chỉ có con đường học thật tốt mới có thể giúp em đạt được ước mơ của mình.

Mười hai năm đến lớp, Nhi đều đạt học sinh giỏi xuất sắc với nhiều thành tích đáng nể. Đặc biệt, năm lớp 12, em đạt giải ba tỉnh môn Toán, giải nhì Casio (giải toán qua máy tính). Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, Nhi cười cho biết: “Thực ra việc học khó nhưng mà dễ. Khó ở chỗ đòi hỏi mỗi người phải có tính kiên trì, chịu khó tìm tòi và luôn luôn duy trì được phong độ đó. Khi đã làm được điều đó thì việc giải được một bài toán hay học giỏi môn học nào đó là rất dễ vì coi như mình đã có căn cơ về nó”.

Hiện tại, anh trai và chị gái Nhi đang theo học cao đẳng, do đó Nhi hiểu em muốn đi học thêm là điều rất khó khăn và tạo thêm gánh nặng cho gia đình, cho nên em luôn xác định rằng mình phải tự học là chính. Trên lớp em thường chú ý lắng nghe cô giáo giảng bài và tự ôn bài trong giờ học. Thời gian về nhà chỉ dành cho việc giải bài tập các môn tự nhiên là chủ yếu.

Nhi chia sẻ, ngoài việc học ở trường và ở nhà, lúc rảnh rỗi em thường hay đọc sách để tìm hiểu thêm thông tin về cuốc sống, tuy nhiên số sách mà em sở hữu rất ít, chủ yếu là mượn của bạn bè và thầy cô.

Ngoài Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, kỳ thi ĐH vừa rồi, Nhi còn dự thi vào Trường ĐH Y dược Huế, và em làm bài thi khá tốt. Nhi tâm sự: “Được thủ khoa ĐH Kinh tế Đà Nẵng em rất vui, nhưng có thể em không theo học ngành này. Nếu đỗ thì em sẽ chọn trường Y, vào chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, em muốn trở thành bác sĩ để về giúp bà con chữa bệnh, đó là ước mơ lớn nhất của em”.

Nguyễn Hương

Gặp nữ chủ nhân Huy chương đồng Olympic Sinh học quốc tế

 “Huy chương đồng không là thành tích cao nhất nhưng em vẫn rất bất ngờ, hạnh phúc” – Khiêm tốn nhưng cũng rất quyết đoán, đó là những điều chúng tôi cảm nhận khi gặp gỡ Trương Thị Phương Thảo, nữ sinh vừa đoạt HCĐ Olympic Sinh học quốc tế.
 >>  Thêm 7 huy chương Olympic Sinh học, Hóa học quốc tế

 

Trương Thị Phương Thảo vừa đoạt Huy chương đồng Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 22.

 

“Đã thi thì không bao giờ bỏ cuộc”

Là học sinh đầu tiên của THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng đoạt Huy chương đồng (HCĐ) Olympic Quốc tế ở bộ môn Sinh học, với Phương Thảo, là một bất ngờ, Thảo chia sẻ: “Trong các phần thi, về lý thuyết, em yên tâm. Nhưng về phần thực hành, rất khó, em nghĩ mình làm không tốt lắm nên khó mà đoạt huy chương. Nhưng thật may mắn…”.

Nhận xét về bản thân, Thảo tự nhận là một người rụt rè, ít nói nhưng hơi bướng. Còn anh Trương Phúc – ba Thảo chia sẻ: “Hồi cháu thi vào đội tuyển quốc gia, chúng tôi có khuyên con thôi đứng cố chú tâm vào chuyên môn, mà lo luyện thi đại học. Chúng tôi kỳ vọng con mình đậu đại học. Vợ chồng tôi đều là công nhân. Đời ông bà, cha mẹ đều chưa ai vào đại học nên thấy con mình học được thì mừng lắm…”.

Quyết tâm theo ngành Sinh học, Thảo tâm sự với ba mẹ: “Đã vào phòng thi thì con không bỏ cuộc. Không thể nhắm mắt nhún nhường trước bài tập mà con có thể giải quyết được. Đi theo chuyên môn Sinh học, con không dám kỳ vọng thành tích cao nhưng con sẽ cố gắng hết sức. Ba mẹ yên tâm, con sẽ không lơ là các môn thi đại học”.

Khi biết mình đoạt được HCĐ, từ Đài Loan, Thảo không có cách nào liên lạc về báo tin ngay cho ba mẹ hay. “Ba mẹ em hay tin con đoạt huy chương qua báo chí chứ không phải từ em đầu tiên”. Nhưng người mà em nghĩ đến đầu tiên khi đoạt huy chương là ba mẹ, là thầy cô. Thảo cười hiền nhẹ lòng tâm sự: “Em biết, ba mẹ đã nhiều đêm lo cho con mà mất ngủ. Cô Trần Thị Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp em cũng động viên, dặn dò em từng chút”.

“Huy chương giúp em tự tin theo đuổi ước mơ”

Suốt 12 năm liền Thảo đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Em đặc biệt xuất sắc ở bộ môn Sinh học. Bảng thành tích của Thảo ở môn này suốt 3 năm cấp THPT toàn huy chương vàng (HCV) và giải nhất. Liên tiếp 2 năm lớp 10 và 11, Thảo đều đoạt HCV Olympic 30/4. Giải Nhất môn Sinh học cấp TP các năm lớp 10, 11, 12. Với giải nhất Sinh học cấp quốc gia, Thảo đã được chọn vào đội tuyển tranh tài quốc tế và đoạt HCĐ Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 22 tại Đài Loan.


Nữ sinh có nụ cười tươi tắn này là chủ nhân của một bộ sưu tập thành tích đáng nể ở bộ môn Sinh học.

Vốn là học sinh chuyên Toán ở đầu cấp THCS, Thảo “bén duyên” với môn Sinh học vì “Cô giáo dạy môn Sinh của em, cô Lê Thị Na Sa dạy môn này rất hay. Em thích và đăng ký vào đội chuyên Sinh của trường. Thảo đi thi, đoạt luôn giải nhất môn Sinh học toàn TP từ cấp THCS”.

Thảo cũng là học sinh đầu tiên của Đà Nẵng đoạt HCĐ Olympic Sinh học cấp quốc tế. Chia sẻ bí quyết chuyên môn, Thảo cho biết: “Em luôn xác định yêu cầu của mỗi của thi để có phương pháp ôn luyện hợp lý. Ví dụ, ở kỳ thi cấp quốc gia. Đề thi tự luận yêu cầu học sinh không chỉ nắm vững lý thuyết, thực hành mà còn có khả năng hành văn, trình bày tốt để làm sáng tỏ các ý mình đã triển khai trong bài làm nên em chú trọng luyện tập thêm về hành văn. Còn ở kỳ thì cấp quốc tế, đề thi trắc nghiệm nên em chọn phương pháp tập trung vào kiến thức, học rộng, học sâu để tìm ra đáp án đúng cho mỗi câu hỏi”.

Ngoài giờ học, niềm vui giải trí của Thảo là tham gia ca hát trong đội văn nghệ ở trường và vẽ. Em thích hát, và tham gia tập luyện, trình diễn trong các buổi biểu diễn văn nghệ ở trường giúp em vơi đi căng thẳng sau những giờ học tập trung. Giữa lúc học mà thấy mệt thì em không cố mà… lấy giấy bút ra vẽ để thư giãn.

Đoạt huy chương, “hạnh phúc lắm”, nhưng với Thảo, đó chưa phải là điều lớn nhất em có được từ kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế. Mà chính từ cơ hội tham gia đội tuyển quốc gia đi thi quốc tế, em được tiếp cận thêm nhiều kiến thức mới ở bộ môn Sinh học, đặc biệt là ở phần thực hành ứng dụng Công nghệ sinh học.

Điều này, giúp em thêm thích và nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi ngành Công nghệ Sinh học Y dược, là một ngành khá mới, góp phần tìm ra những phương thuốc, phương pháp chữa bệnh mới, nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và chống lại các bệnh nan y từ việc ứng dụng Công nghệ sinh học. Đoạt được huy chương, em có thêm tự tin để theo đuổi ước mơ theo con đường nghiên cứu sinh học.

 

Theo Dân Trí

Thêm 7 huy chương Olympic Sinh học, Hóa học quốc tế

 
Thông tin từ Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, đoàn Việt Nam tiếp tục giành thêm 7 huy chương ở kì thi Olympic Sinh học, Hóa học quốc tế. Theo đó, đoàn Olympic Sinh học giành 3 huy chương đồng, Olympic Hóa học dành 2 bạc và 2 đồng.
 >>  Cậu học trò xứ Nghệ đoạt Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế

Thầy Mai Sỹ Tuấn – Trưởng đoàn Học sinh Việt Nam dự thi Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 22 tại Đài Loan cho biết, đoàn dự thi có 4 em, 3 em được huy chương đồng, và 1 em được bằng khen. Ba học sinh đạt huy chương đồng bao gồm: Nguyễn Trung Kiên: học sinh lớp 12, trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội ; Trương Thị Phương Thảo: học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng; Nguyễn Thu Trang: học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Đinh.

Học sinh Đăng Thu Trang lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định được bằng khen.

Điếu đáng tiếc ở kì thi olympic Sinh học năm nay đó là em Đặng Thu Trang là học sinh thi trong nước cả 2 vòng đều đạt giải nhất và đứng đầu, và cũng là học sinh có học lực tốt nhất nhưng do gặp vấn đề về sức khỏe nên đã không hoàn thành hết được bài thi. Em đã rất cố gắng nhưng cũng chỉ được gần với kết quả của huy chương đồng.

Đối với đoàn Hóa học, 2 em đạt huy chương bạc là Trần Thị Ngọc Quý, học sinh lớp 12, Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và em Phạm Đăng Huy, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.

Hai em đạt huy chương đồng là Phạm Minh Đức, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam và Võ Duy Việt, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định.

Theo Dân Trí

Cậu học trò xứ Nghệ đoạt Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế

 
Ngày 17/7, thông tin từ Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho biết, đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Vật Lý quốc tế lần thứ 42 năm 2011 tại Thái Lan từ ngày 8/7 – 18/7 đã giành được 5 huy chương.

5 huy chương gồm: 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng.

Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế thuộc về học sinh Nguyễn Huy Hoàng – HS lớp 12A3 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An.
 
Học sinh Nguyễn Huy Hoàng
 
Giành được huy chương Bạc là hai em Nguyễn Đình Hội, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An và Hoàng Lê Phương, học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Thành phố Đà Nẵng.

Hai huy chương đồng thuộc về em Lê Huy Quang, học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa và em Đinh Huy Hồng Quân, học sinh lớp 12 Trường Phổ thông Năng khiếu – Đại học Quốc gia TPHCM.

Thông tin từ lãnh đạo Cục Khảo thí, trưa ngày mai 18/7, đội tuyển sẽ về tới Hà Nội.

Đối với học sinh Nguyễn Huy Hoàng huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế, em đã giành được huy chương Đồng cuộc thi Olimpic Vật lí Châu Á, tổ chức tại Israel. Hoàng từng đạt các danh hiệu học sinh giỏi quốc gia môn Vật lí, giải Nhì năm học lớp 11, giải Nhất năm học lớp 12.
 
Trước khi đi dự cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã tặng hoa và quà để tiễn và động viên 2 học sinh Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Đình Hội -lớp 12A3 – chuyên Lý, THPT Chuyên Phan Bội Châu đạt kết qủa xuất sắc trong kỳ thi vòng II, trở thành 2 trong 5 thành viên chính thức của đội tuyển Vật lý Việt Nam đi dự thi Olympic Vật lý quốc tế tổ chức tại Vương quốc Thái Lan.
 
Theo Dân Trí
 

HƠN 100 NHÀ LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI (MIT SLOAN) ĐẾN CHIA SẺ, HỌC HỎI TẦM NHÌN TỪ TRUNG NGUYÊN

Trong chuyến đi tiền trạm lần trước, Giáo sư Stephen Sacca đã ngưỡng mộ tầm nhìn của Trung Nguyên, và lần này Giáo sư cùng hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới (MIT SLOAN) đến để tìm hiểu, chia sẻ tầm nhìn lãnh đạo cùng với chủ tịch tập đoàn cà phê Trung Nguyên ông Đặng Lê Nguyên Vũ (CT)  tại Hội quán Thanh Niên Sáng Tạo Trung Nguyên (Số 7 Nguyễn Văn Chiêm, Quận 1, Tp.HCM) ngày 24/5/2011.

Sau khi nghe CT chia sẻ tầm nhìn cà phê Việt Nam, Tư duy cà phê mới và Thánh địa cà phê toàn cầu. Các nhà lãnh đạo vô cùng phấn khởi, cảm nhận được trách nhiệm của chính mình trong tầm nhìn này và chia sẻ những thách thức, cơ hội phía trước.


Ông Daniel Ross – GĐ điều hành Nuestras Raices, Inc (Mỹ)

Daniel Ross: Khi được nghe, được nhìn, được thưởng thức và được cảm nhận thì tôi thật sự tin rằng cà phê tạo ra năng lượng của nền kinh tế tri thức, và triết lý cà phê làm cho thế giới tốt đẹp hơn của Trung Nguyên hết sức thuyết phục. Ngay tại Mỹ đế chế Starbucks cũng đã đem lại nhiều điều tốt đẹp cho cộng đồng, cà phê không thể thiếu tại Mỹ. 


Nhưng để có một tầm nhìn tổng thể, và nghĩ cho cộng đồng một cách toàn diện từ người nông dân trồng cà phê, người kinh doanh, người thưởng thức, môi trường, khí hậu và tôn vinh tinh thần cà phê thì chắc chắn duy nhất chỉ có chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ. Và đến giờ tôi hiểu tại sao giáo sư (trưởng đoàn của chúng tôi) chọn Trung Nguyên để chúng tôi học hỏi, chia sẻ.


Srinivasan Johann Jurie – Giám Đốc Axis Technology (Ấn Độ / Mỹ)

Srinivasan Johann Jurie: Theo tôi được biết Trung Nguyên có kế hoạch chinh phục thế giới và đặc biệt là thị trường Mỹ, vậy Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ đã chuẩn bị những gì khi những người thưởng thức cà phê ở đó đều là những người tri thức, thị trường cao cấp.

CT: Người thưởng thức cà phê tại Mỹ và thế giới không cần thêm một quán cà phê mới nữa và họ không quan tâm. Họ chỉ quan tâm những giá trị gì mà mô hình quán mới đem lại, những gì mà họ đang trông đợi. Theo kế hoạch của Trung Nguyên thì chúng tôi phải khác biệt, chúng tôi phải dẫn đầu và phải mang đến những giá trị mà thế giới đang cần.

Riêng về phía Trung Nguyên, chúng tôi phải trả lời được 3 câu hỏi:
1. Sản phẩm chiến thắng của chúng tôi là gì?
2. Mô hình chiến thắng của chúng tôi là gì?
3. Câu chuyện mà thế giới đang cần nghe về cà phê Việt Nam là gì?


Ông Marcos Novoa Y Novoa – GĐ Marketing & Sales Integration Consulting (Brasil)

Marcos Novoa Y Novoa: Tôi thấy mô hình mẫu mà chủ tịch đang xây dựng, thấy được lợi ích cho người nông dân trồng cà phê và mang lại giá trị nhân văn cao phù hợp với xu thế của thế giới. Vậy với đất nước tôi ( Brasil ) có áp dụng được mô hình này hay không? Với cá nhân tôi cũng thấy sự bất công và tính không bền vững khi người nông dân trồng cà phê phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thương lái, thị trường. Tôi cũng muốn làm gì đó cho quê hương nhưng chưa có cơ hội, hy vọng đây là cơ duyên mà tôi sẽ phối hợp cùng Trung Nguyên để tính toán cho mô hình mẫu tại Brasil.

CT: Tôi khẳng định lại, trong mô hình này, lợi ích của người nông dân được đưa lên hàng đầu. Riêng về sự bấp bênh của người nông dân thì do chúng ta vẫn làm theo kiểu cũ. Nếu chúng ta làm theo kiểu mới, chúng tôi đã liên kết với các tập đoàn hàng đầu thế giới về nông nghiệp từ Israel, Nauy, Đức để hiện đại từ khâu trồng trọt, chọn giống, tưới nước, phân bón, thu hoạch… thì mọi chuyện chúng ta có thể kiểm soát tốt nhất và đời sống của người nông dân trồng cà phê sẽ thịnh vượng trong thời gian ngắn.


Đoàn nghị sỹ Brasil làm việc tại Trung Nguyên 28/4/2011

Riêng đối với Brasil, cách đây 3 tuần, Trung Nguyên có tiếp phái đoàn hơn 20 nghị sỹ từ Brasil và họ đã nhất trí cao độ về mô hình mẫu này, chính vị bộ trưởng nông nghiệp cà phê Brasil đã cam kết và thống nhất để Trung Nguyên đảm nhận vai trò dẫn dắt tinh thần cà phê và đưa cà phê cùng thế giới vào kỷ nguyên mới.

Ông Alok Bhargava (Mỹ)

Alok Bhargava: Với tầm nhìn lớn như thế này, để thực hiện điều đó rất thách thức. Ngoài ra tình hình nhân sự của Việt Nam chưa đạt đẳng cấp cao để thực thi tốt nhất? Vậy đội ngũ của Trung Nguyên như thế nào? có khó khăn trong thực thi với tầm nhìn này không? 

CT: Đội ngũ chúng tôi đến từ nhiều nguồn, kiến thức không đồng đều đó cũng là thách thức lớn đối với Trung Nguyên. Chúng tôi đã cộng tác với nhiều giáo sư hàng đầu trên thế giới để nâng tầm đội ngũ, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp và phương pháp thực thi như Giáo sư Tom Cannon( Livepool), GS Peter Timmer(Harvard), GS Joshep Nye(Harvard, John F Kennedy), GS Howard Moskowitz(Harvard)… Với tầm nhìn này chúng tôi được sự đồng thuận từ nhiều tổ chức, giáo sư các học viện cùng chúng tôi để thực hiện.
Bên cạnh đó các cộng sự của chúng tôi có quyết tâm cao, dấn thân và sự đam mê vì mục tiêu chiến lược và sứ mạng của chúng tôi theo đuổi.


Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ và Ông Lin ( Giám đốc phần mềm Oracle Corporation -Canada)

Lin: Tôi được biết Trung Nguyên có nhiều cơ hội để làm giàu, nâng cao giá trị tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam chẳng hạn như Phần mềm, phần cứng máy tính, bất động sản, du lịch, khoáng sản… vậy ông có kế hoạch phát triển qua những lĩnh vực khác để nâng cao doanh số của công ty mình không?

CT: Tôi quan niệm rằng chúng tôi phải đi từ năng lực lõi của chúng tôi, và chỉ làm những dịch vụ bổ trợ tốt cho cà phê. Cá nhân tôi và các cộng sự của tôi tâm niệm rằng “Sống cà phê, chết cà phê, xuống địa ngục cũng cà phê, lên thiên đàng cũng cà phê”


Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ và Giáo sư Stephen J. Sacca – Hiệu trưởng trường MIT Sloan

GS: Cảm ơn chủ tịch đã chia sẻ tầm nhìn này với chúng tôi, chúng tôi mong rằng quán cà phê đầu tiên tại Mỹ nằm gần trường của chúng tôi(thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts ), ở đó họ là những người tri thức cao và đang muốn nghe câu chuyện cà phê từ Trung Nguyên, Việt Nam.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH BUỔI HỘI THẢO


Ông Chenggang Luan – TGĐ, sáng lập viên Starriver Inc (Trung Quốc)


Ông Ashish Das – Phó TGĐ, tham mưu cho CEO (Ấn độ)


Ông Qi Tu – Giám đốc Springs Shanghai Tranding (Trung Quốc)


Ông Ignacio Fuentes Ribas – Quản lý Bảo hiểm General Electnc
bắt tay cùng Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ


Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ, Giáo sư Stephen J. Sacca, Giáo sư Thái Quang Trung
chụp hình lưu niệm cùng các thành viên đoàn MIT Sloan.

CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI THƯỞNG THỨC CÀ PHÊ TRUNG NGUYÊN TẠI HỘI QUÁN THANH NIÊN SÁNG TẠO
Số 7 Nguyễn Văn Chiêm, Q.1, Tp.HCM

Từ trái sang:
– Ông Peter Lohse – Giám đốc cải tiến InnoCentive (Thụy Sĩ)
– Ông Luis Filip Cavalcanti Machado – Giám đốc Kỹ thuật vận hành APPI Tecnologia S.A (Brazil)
– Ông Peter Damian Mbama – Quản lý Quan hệ khách hàng Access Bank Plc (Nigeria)
– Ông KyongWan Son – Giám đốc sản phẩm Daum Communications (Hàn Quốc)

Từ trái sang:
– Aurora Tillon – Giám đốc Kinh doanh Zenith Optimedia (Puplic Group) (Pháp)
– Ông Jose Sanhueza – TGĐ Refricentro S.A (Chile)
– Bà Inessa Pidvysotski – Kiểm soát tài chính Trade Wings (Mỹ)
– Bà Seema Prem – Tư vấn iGATE Global Solutions (Ấn Độ)

Từ trái sang:
– Ông Claudio Saieh – Quản lý quan hệ Banco de Chile (Chile)
– Ông Alok Bhargava – Tư vấn kỹ thuật và kinh doanh (Mỹ)
– Ông Lin – Giám đốc phần mềm Oracle Corporation (Canada)
– Ông Yoshio Yamaguchi – Phó TGĐ Development Bank (Nhật Bản)

Ông Nabil Al Nuaim – Giám đốc Nghiên cứu Saudi Aramco (Ả Rập Saudi)


Ông Luis Filipe Cavalcanti Machado – Giám đốc kỹ thuật vận hành APPI Technologia S.A


Ông Aik Bing Tan – Giám đốc khu vực Infocomm Development Authority of Singapore (Singapore)
Bà Fabiana Zabani –  Quán lý điều hành Santander Bank (Brasil)

Theo trungnguyen.com

Cậu bé 10 tuổi và ước mơ “Nhân tài đất Việt”

Tham gia cuộc thi Nhân tài đất Việt năm nay, có một thí sinh mới 10 tuổi và cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất của cuộc thi. Với phần mềm Vui học Tiếng Anh (English Skill), cậu bé ước mong sẽ chinh phục được cuộc thi Nhân tài đất Việt trong tương lai không xa.

Cậu bé đó là Nguyễn Hà Phan (sinh năm 2000), học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trần Quốc Thảo, TPHCM.

Từ niềm đam mê tin học

Được tiếp xúc với chiếc máy vi tính từ khi đang học lớp 2, Hà Phan đã đam mê môn tin học từ đó. Chiếc máy tính đã trở thành người bạn thân thiết để Phan thỏa thích khám phá, viết nhiều chương trình phục vụ việc học tập cho bản thân.

Từ những chương trình nho nhỏ, đến nay Phan đã có được bộ sưu tập rất nhiều phần mềm giúp ích cho việc học tập. Tuy viết nhiều phần mềm như vậy, nhưng Phan cũng rất e dè trong việc gửi sản phẩm dự thi, đến giữa tháng 6/2010 khi cơ quan của mẹ phát động cuộc thi Tin học trẻ không chuyên ngành Bưu điện. Được sự động viên của gia đình, Phan gửi sản phẩm tham gia.

Trong cuộc thi đó, sản phẩm của em được ban giám khảo đánh giá cao, có khả năng ứng dụng trong học tập, kết quả sản phẩm được chấm giải ba về lĩnh vực phần mềm sáng tạo. Điều đặc biệt, Phan cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi này.

Chị Trương Đức Nga (mẹ của Phan, hiện đang công tác tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cơ sở tại TPHCM) cho biết: “Để phục vụ cho việc viết chương trình học tập, cháu Phan rất có ý thức trong việc tự tìm hiểu các ngôn ngữ lập trình, rèn luyện kiến thức tiếng Anh. Thấy cháu đam mê tin học, gia đình cũng vui nhưng cũng lo ngại cho sức khỏe của cháu”.

Dù rất mê CNTT nhưng Phan không bỏ bê việc học hành. 4 năm qua, Hà Phan luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, xuất sắc.

“Máy vi tính giúp ích cho việc học của em rất nhiều, vừa học vi tính em vừa biết được nhiều từ vựng tiếng Anh. Mỗi ngày bố mẹ chỉ cho em khoảng 2 giờ để ngồi làm việc trên máy tính, với em như thế cũng đã đủ vì thời gian còn lại em tập trung vào việc học nhiều hơn”, Phan chia sẻ.

Đến ước mơ chinh phục “Nhân tài đất Việt”

Ý tưởng viết chương trình Vui học Tiếng Anh và tham gia cuộc thi Nhân tài đất Việt đến với Phan cũng khá bất ngờ. Xuất phát từ nhu cầu thực tế học từ vựng tiếng Anh, ở lớp cô giáo chỉ viết chữ lên bảng cho học sinh đọc theo. Nhiều khi học sinh biết cách đọc nhưng không hiểu nghĩa, với nhiều từ mới học sinh tiểu học rất khó để học thuộc. Chính vì lý do đó, Phan mới nghĩ ngay đến một chương trình có thể giúp các bạn cùng trang lứa học từ vựng tiếng Anh được dễ dàng và sinh động hơn.

Nghĩ là làm, với niềm đam mê tin học, Phan nhờ bố tìm giúp phần mềm viết chương trình. Và với phần mềm lập trình Scracth, một phần mềm ngôn ngữ lập trình đồ họa rất ít thông dụng tại Việt Nam cũng như tài liệu tham khảo. Thế là Phan phải tự mình mày mò, học hỏi sách báo để biết cách sử dụng. Sau gần hai tháng vừa học hỏi vừa viết chương trình, phần mềm Vui học Tiếng Anh cũng đã ra đời trong niềm vui của cậu học trò nhỏ.

Em đã thiết kế phần mềm có giao diện rất dễ sử dụng và tạo sự chú ý đối với các bạn cùng tuổi như em, với chương trình này các bạn có thể học thuộc được nhiều từ vựng một cách dễ dàng. Chương trình như một trò chơi học tiếng Anh rất vui, các bạn có thể vừa nghe nhạc lại vừa được xem những hình ảnh vui nhộn. Ví dụ, muốn biết được quả cam viết như thế nào, các bạn phải sắp xếp các chữ cho đúng nghĩa. Nếu đúng, hình ảnh quả cam sẽ hiện ra trên màn hình”, Phan chia sẻ về phần mềm.

Tham gia “Nhân tài đất Việt” năm 2010 này, Nguyễn Hà Phan không hy vọng lắm vào kết quả cuối cùng mà em xem cuộc thi như một cơ hội để học hỏi thêm kinh nghiệm dự thi, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và nhất là để nuôi hy vọng sẽ chinh phục được cuộc thi trong một tương lai không xa.

Phan hồn nhiên cho biết, “Nhân tài Đất Việt” là một cuộc thi lớn, hội tụ nhiều anh chị là các lập trình viên về công nghệ thông tin. Em không hy vọng nhiều vào sản phẩm của mình nhưng vẫn rất vui vì đã làm ra được một sản phẩm phục vụ nhu cầu học tập cho bản thân và các bạn cùng trang lứa, đây là bước đệm để em tiếp tục có những sản phẩm hay hơn. Nhiệm vụ của em bây giờ là học thật giỏi để sau này sẽ trở thành một lập trình viên công nghệ thông tin thật sự.

Theo nhantaidatviet

http://clbinternetmarketingvietnam.com/

http://www.marketervietnamtraining.com/

10 tỷ phú trẻ nhất thế giới

Những gương tỷ phú trẻ này đã chứng minh rằng, không cần tới cả đời người để tạo ra một khối tài sản khổng lồ
20 tỷ phú trẻ nhất năm nay trong xếp hạng của Forbes đều là những người chưa đến 40 tuổi. Dưới đây là top 10 tỷ phú sinh sau đẻ muộn nhất:1. Dustin Moskovitz

Quốc tịch: Mỹ
Tuổi: 26
Giá trị tài sản ròng: 2,7 tỷ USD

Dustin Moskovitz là bạn học cùng phòng ký túc xá với Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, đồng thời là nhân viên thứ ba làm việc cho mạng xã hội ảo này. Moskovitz chỉ sinh sau Zuckerberg có 8 ngày. Anh đã cùng Zuckerberg thôi học ở Havard và tới California để dành toàn bộ thời gian cho việc xây dựng Facebook. Moskovitz là Giám đốc công nghệ đầu tiên của Facebook và cũng đã có một thời gian làm Phó chủ tịch công nghệ của mạng này. Năm 2008, anh rời Facebook để thành lập công ty phần mềm Asana.

2. Mark Zuckerberg

Quốc tịch: Mỹ
Tuổi: 26
Giá trị tài sản ròng: 13,5 tỷ USD

Mạng xã hội ảo do Facebook sáng lập đang ngày càng phát huy ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Mạng này đã được sử dụng như một trung tâm để tuyên truyền và tổ chức các cuộc nổi dậy gần đây ở Tunisia, Ai Cập, Yemen và Libya. Tại Mỹ, trong Thông điệp liên bang hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Barack Obama xem Facebook như một ví dụ về năng lực sáng tạo của người dân nước này. Tháng 2 vừa qua, với tư cách người sáng lập kiêm CEO của Facebook, Zuckerberg đã được Tổng thống Obama mời tới dự bữa tối cùng với những “đại gia” công nghệ khác, bao gồm CEO Steve Jobs của Apple. Trong năm qua, tài sản của Zuckerberg tăng gấp gần 2,5 lần.

3. Albert von Thurn und Taxis

Quốc tịch: Đức
Tuổi: 27
Giá trị tài sản ròng: 2 tỷ USD

Albert von Thurn und Taxis lần đầu xuất hiện trong xếp hạng tỷ phú của Forbes năm mới lên 8 tuổi, nhưng đến năm 18 tuổi, vị tỷ phú có xuất thân hoàng tộc này mới được thừa kế tài sản. Anh đã tốt nghiệp bằng thạc sỹ kinh tế học tại Đại học Edinburgh, Scotland, và sở hữu trong tay một lượng tài sản lớn là bất động sản, nghệ thuật, công ty công nghệ và 30.000 hecta đất rừng ở Đức. Hiện Albert von Thurn und Taxis đang có kế hoạch xây dựng một trong những trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới tại vùng Bravia, Đức.

4. Scott Duncan

Quốc tịch: Mỹ
Tuổi: 28
Giá trị tài sản ròng: 3,1 tỷ USD

Scott Duncan là con trai của Dan Duncan – tỷ phú đường ống qua đời vào năm 2010 ở tuổi 77 khi đang là người giàu nhất ở Houston, Mỹ. Sau khi cha qua đời, Scott Duncan đã được trao quyền kiểm soát một phần trong “đế chế” đường ống trị giá 12,4 tỷ USD do cha anh gây dựng.

5. Eduardo Saverin

Quốc tịch: Mỹ
Tuổi: 29
Giá trị tài sản ròng: 1,6 tỷ USD

Eduardo Saverin là người đã cùng với Mark Zuckerberg sáng lập nên mạng Facebook ngay trong ký túc xá của Đại học Havard và nhận được cổ phần 30% trong công ty. Mối quan hệ của Saverin và Facebook đã xấu đi khi công ty kiện Saverin can thiệp bất hợp pháp vào công việc và kiên quyết giữ cổ phần 30%. Saverin cũng kiện ngược lại Facebook. Khi vụ việc được giải quyết, Saverin nhận mức cổ phần 5% và được đăng tiểu sử với tư cách là người đồng sáng lập Facebook trên mạng này. Nhiều nguồn tin cho biết, Saverin đã bán bớt cổ phần trong Facebook và hiện chỉ còn nắm giữ 2%.

6. Yang Huiyan

Quốc tịch: Trung Quốc
Tuổi: 29
Giá trị tài sản ròng: 4,1 tỷ USD

Cô gái 29 tuổi này là cổ đông chính trong Country Garden Holdings of Guangzhou, một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc. Chủ tịch của Country Garden là cha của Yang Huiyan. Khi công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông vào năm 2007, Yang Huiyan đã được cha nhường lại cổ phần. Tài sản của nữ tỷ phú này tăng mạnh trong năm 2010 nhờ doanh số bán nhà tiếp tục gia tăng. Cô đã tốt nghiệp Đại học Ohio, Mỹ, với tấm bằng về marketing và hậu cần.

7. Fahd Hariri

Quốc tịch: Lebanon
Tuổi: 30
Giá trị tài sản ròng: 1,5 tỷ USD

Là con trai út của cố Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri, Fahd Hariri được thừa kế tài sản trong tập đoàn xây dựng và viễn thông Saudi Oger của cha sau khi ông Rafik Hariri qua đời vào năm 2005. Hiện Fahd Hariri đang sống tại Paris nhưng vẫn tham gia điều hành kênh truyền hình vệ tinh và mặt đất Future TV của gia đình phủ sóng ở khu vực Trung Đông.

8. Sean Parker

Quốc tịch: Mỹ
Tuổi: 30
Giá trị tài sản ròng: 1,6 tỷ USD

Sean Parker được biết đến với tư cách là một chiến lược gia ở Silicon Valley và là cựu Chủ tịch của Facebook. Chính giá trị cổ phần được cho là ở mức 3% trong Facebook tăng mạnh mà Sean Parker trở thành tỷ phú. Năm 16 tuổi, Parker đã đồng sáng lập một trang chia sẻ âm nhạc có tên Napster. Hiện tỷ phú trẻ này đang tham gia điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund chuyên hướng tới các công ty công nghệ. Anh cũng rót vốn vào Spotify, mạng nghe nhạc của châu Âu dự kiến sẽ tới Mỹ trong năm nay.

9. Ayman Hariri

Quốc tịch: Lebanon
Tuổi: 32
Giá trị tài sản ròng: 1,5 tỷ USD

Ayman Hariri là một trong 5 người con của cố Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri, hiện đang có chân trong Hội đồng quản trị của tập đoàn Saudi Oger do cha để lại.

10. Yoshikazu Tanaka

Quốc tịch: Nhật Bản
Tuổi: 34
Giá trị tài sản ròng: 2,2 tỷ USD

Tỷ phú 34 tuổi này là người sáng lập Gree, mạng xã hội ảo lớn nhất Nhật Bản. Gree đang chuẩn bị đối đầu trực tiếp với Facebook của Mark Zuckerberg khi mới đây đã mở chi nhánh ở California. Mạng này còn hợp tác với cổng dịch vụ Internet lớn nhất Trung Quốc là Tencent để cùng nhau phát triển trên phạm vi toàn cầu. Trong năm qua, cổ phiếu của Gree đã tăng giá 35%. Tanaka từng làm việc cho Sony và tham gia điều hành một website mua sắm có tên Rakuten.

AN HUY

Nguồn: Vneconomyhttp://clbinternetmarketingvietnam.com/

7 nhà doanh nghiệp trẻ vinh dự nhận giải Sao đỏ

7 nhà doanh nghiệp trẻ vinh dự nhận giải Sao đỏ
 Cập nhật ngày: 15/12/2008

Trong hai ngày 13 – 14/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hội các nhà Doanh nghiệp trẻ Việt Nam lần III. Trong khuôn khổ đại hội, lễ trao giải thưởng Sao Đỏ 2008 đã được trao cho 7 nhà doanh nghiệp trẻ.

Hơn 700 đại biểu là những nhà doanh nghiệp trẻ (DNT) tiêu biểu đại diện cho lực lượng DNT cả nước và các nhà DNT Việt Nam tại nước ngoài (Mỹ, Úc, Nga, Nhật, Séc, Pháp, Đức, Trung Quốc…) đã tham dự Đại hội. Khẩu hiệu của Đại hội lần 3 (nhiệm kỳ 2008 – 2011) là “Đoàn kết – Khát vọng – Đột phá – Phát triển”.

Theo báo cáo của Ban chấp hành Hội các nhà DNT Việt Nam khóa II, trong 3 năm qua, mạng lưới tổ chức của Hội tăng từ 48 Hội DNT cấp tỉnh, thành lên 52 tỉnh, thành và 4 ngành, đặc biệt Hội đã có sự tăng trưởng mạnh về hội viên, từ 4.000 lên 7.000 hội viên, các doanh nghiệp của hội viên tạo ra doanh thu hàng năm trên 20 tỷ USD và đảm bảo việc làm cho trên 1,2 triệu người.

Năm nay, lần đầu tiên T.Ư Hội tiến hành trao tặng Kỷ niệm chương và Huy hiệu Vàng của hội cho 55 cá nhân có cống hiến đặc biệt cho phong trào DNT Việt Nam 15 năm qua. Lễ trao giải thưởng Sao Đỏ 2008 cũng được diễn ra trong khuôn khổ đại hội, năm nay có 7 nhà DNT tiêu biểu được vinh dự nhận giải thưởng.

Đó là: Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần cửa sổ nhựa Châu Âu; Nguyễn Bình Đông, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc Viễn Đông; Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà; Hà Thị Hương, TGĐ Công ty cổ phần khoáng sản và công nghiệp Cao Bằng; Đặng Hồng Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín; Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty phát triển khu công nghiệp Biên Hoà; Tống Quốc Trường, TGĐ Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam.

Điểm đặc biệt của giải thưởng Sao Đỏ năm nay là lần đầu tiên đã xuất hiện 1 doanh nhân thế hệ 8X và có tới 2 nữ DNT. Trong đó nữ Doanh nhân Đặng Hồng Anh (SN 1980) là người trẻ nhất giải.

Ban tổ chức cho biết, doanh nghiệp của 7 cá nhân đạt giải thưởng năm nay đã rất xứng đáng, đáp ứng được các tiêu chí rất khắt khe mà ban tổ chức đưa ra. Doanh thu của 7 doanh nghiệp trên tạo ra trong năm 2007 lên tới 7.216 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 1.410 tỷ đồng, nộp ngân sách 351 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 7.500 lao động.

Lan Hương

Theo Doanhnhanvietnam

http://clbinternetmarketingvietnam.com/

Nữ sinh gốc Việt 17 tuổi được Harvard trao học bổng tiến sỹ

Trong khi hầu hết các bạn cùng độ tuổi đang phải tốt nghiệp trung học, thì cô gái Mỹ gốc Việt Alexandria Huỳnh, sinh viên tốt nghiệp trẻ nhất đại học Los Angeles, lại chuẩn bị bước vào học tiến sỹ tại đại học Y dược Harvard, với học bổng toàn phần.
Alexandria Huỳnh (trái) là cử nhân tốt nghiệp trẻ nhất trường Đại học tiểu bang California ở Los Angeles năm 2010.

Nữ sinh người Mỹ gốc Việt 17 tuổi, Alexandria Huỳnh, mới được ba trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, trong đó có Harvard, trao học bổng toàn phần để làm tiến sĩ ngành Miễn dịch học. Hai trường khác nhận Huỳnh vào học đều là các trường danh giá của Mỹ gồm Đại học Yale và Đại họcPennsylvania.

Ở tuổi 13, Alexandria đã học lấy bằng cử nhân theo một chương trình học sớm trước tuổi tại Đại học tiểu bang California ở Los Angeles. Cô bé đã tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân Sinh học hạng danh dự tại trường này vào tháng 6 vừa qua, trở thành cử nhân trẻ nhất của trường trong năm 2010.

Và nay, Alexandria Huỳnh được Đại học Y dược Harvard nhận vào học tiến sỹ với học bổng toàn phần, cộng thêm cả tiền lương.

Khi học tại Đại học tiểu bang California ở Los Angeles, Huỳnh là thành viên trong nhóm nghiên cứu Edith Porter, tập trung nghiên cứu tế bào đường ruột ở chuột để xem chúng phản ứng như thế nào với vi khuẩn Salmonella Typhimurium, vi khuẩn gây viêm đường ruột ở người.

Sống ở thành phố Torrance, California, Alexandria Huỳnh là thành viên của Hội danh dự chìa khóa vàng và Hội danh dự Phi Kappa Phi tại Đại học Los Angeles. Huỳnh đã lĩnh học bổng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất  của Phi Kappa Phi và học bổng sinh viên tốt nghiệp chương trình nhập học sớm (EEP) giỏi nhất trong năm.

Nói về thành tích vào đại học năm 13 tuổi, Alexandria Huỳnh cho rằng khi đã quyết tâm hết sức để thực hiện một điều gì đó mình yêu thích, thì người ta có thể làm mọi điều. “Chương trình EEP mà tôi tham gia có một hệ thống hỗ trợ sinh viên rất hiệu quả. Nhiều sinh viên lớn tuổi hơn tôi, và từng trải qua việc học tập như tôi, đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm bổ ích cho chúng tôi. Đấy là nguồn giúp đỡ lớn đối với các tân sinh viên.” – Huỳnh nói.

Cô cho biết chương trình EEP khác hẳn với các chương trình khác và cô phải cố gắng rất nhiều, dành toàn bộ thời gian để học tập.
Cô gái nhỏ nhắn này cũng cho biết rất thích nghiên cứu về miễn dịch, vì ngành này đóng vai trò quan trọng trong việc chữa trị bệnh tật nói chung.

Chương trình EEP của Đại học tiểu bang California ở Los Angeles nhận những học sinh tài năng, thậm chí mới 11 tuổi, vào đại học. Alexandria Huỳnh nằm trong số 20 sinh viên tốt nghiệp trong chương trình EEP năm nay.